Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ

Theo Nhân Dân
UBND thành phố Cần Thơ đã thông qua đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.


Hồ Xáng Thổi được nạo vét, cải tạo sạch đẹp.
Phạm vi điều chỉnh quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Cần Thơ với diện tích khoảng 1.409 km2. Mục tiêu của đồ án điều chỉnh quy hoạch này là phát triển thành phố Cần Thơ trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia, văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, đô thị trung tâm, động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long và đô thị cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Công.
Ðó là việc tạo những điều kiện cần và đủ về hạ tầng kỹ thuật để Cần Thơ xứng tầm là trung tâm công nghiệp; trung tâm thương mại, dịch vụ; trung tâm khoa học – công nghệ, trung tâm y tế, giáo dục – đào tạo, văn hóa của quốc gia và vùng đồng bằng sông Cửu Long; là đầu mối giao thương quốc tế quan trọng của vùng và quốc gia. Góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long, có tầm ảnh hưởng trong vùng Ðông – Nam Á.


Việc phát triển không gian thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 theo hướng phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng. Phát triển hài hòa với cảnh quan tự nhiên, phát huy bản sắc đô thị sông nước, đô thị sinh thái đặc trưng kết nối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện tốt các quy hoạch về không gian cây xanh mặt nước, các khu vực bảo tồn sinh thái, các di tích văn hóa lịch sử. Ðồ án này tính đến việc giảm tác động do biến đổi khí hậu, ngập lụt và sạt lở, phù hợp với kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu của thành phố, thực hiện đồng bộ hệ thống thoát nước đô thị, bảo đảm các tuyến cống có độ dốc phù hợp.
Ðịnh hướng phát triển không gian đến năm 2030 gồm vùng phát triển đô thị nội thành, vùng phát triển đô thị ngoại thành, vùng phát triển công nghiệp và đầu mối hạ tầng kỹ thuật, vùng phát triển nông nghiệp, vùng cây xanh cảnh quan, công viên chuyên đề và không gian mở. Ðịnh hướng phát triển không gian hệ thống các trung tâm chuyên ngành, gồm trung tâm hành chính và dịch vụ công cộng; trung tâm y tế; trung tâm giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; các trung tâm văn hóa, thể dục – thể thao; trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ văn phòng hỗn hợp; trung tâm dịch vụ du lịch.
Ðịnh hướng không gian các khu đô thị vùng đô thị nội thành đến năm 2030, với điểm nhấn là khu đô thị trung tâm, bao gồm Khu đô thị truyền thống Ninh Kiều – Bình Thủy; Khu đô thị – công nghiệp Trà Nóc, Khu đô thị – công nghiệp Cái Răng và Khu đô thị sinh thái Phong Ðiền, trong đó Khu đô thị – công nghiệp Cái Răng đảm nhận chức năng là Trung tâm công nghiệp và dịch vụ cảng, đầu mối giao thông về đường bộ, đường thủy và đường sắt, trung tâm tiếp vận về dịch vụ cảng và dịch vụ Logistic cấp vùng. Trung tâm dịch vụ – thương mại cấp thành phố và cấp vùng, trung tâm văn hóa cấp vùng, các khu ở tập trung và sinh thái nhà vườn. Khu đô thị – công nghiệp Trà Nóc, với chức năng là Trung tâm công nghiệp chuyên ngành, công nghiệp điện năng cấp vùng. Ðầu mối giao thông đường thủy – cảng tổng hợp.
Trung tâm thương mại dịch vụ cấp thành phố và khu đô thị, các khu ở tập trung nén và khu ở mật độ thấp. Khu đô thị mới Ô Môn sẽ là Khu đô thị mới của thành phố Cần Thơ, là đầu mối giao thông về đường bộ, đường thủy, đường sắt, trung tâm giao dịch quốc tế, trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, giáo dục – đào tạo cấp quốc gia và quốc tế. Trung tâm tài chính, thương mại – dịch vụ cấp quốc gia. Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công viên chuyên đề nông nghiệp công nghệ cao sông Hậu. Trung tâm văn hóa – hội chợ triển lãm cấp vùng và quốc gia. Trung tâm du lịch cảnh quan và sinh thái cấp vùng. Các khu ở tập trung, khu ở sinh thái vườn.
Ðáng lưu ý Khu đô thị – công nghiệp Thốt Nốt nằm cửa ngõ phía bắc của thành phố Cần Thơ, đầu mối giao thông về đường bộ và đường thủy bao gồm đường Hồ Chí Minh – Cầu Vàm Cống, quốc lộ 80 và trục xương sống đô thị, tuyến sông Hậu và kênh Cái Sắn. Tận dụng lợi thế này, Khu đô thị – công nghiệp Thốt Nốt đảm nhận chức năng là Trung tâm công nghiệp chế biến nông hải sản và công nghiệp phụ trợ, trung tâm kho vận cấp vùng, trung tâm thương mại – dịch vụ cấp thành phố và cấp vùng, trung tâm du lịch sinh thái cảnh quan trên sông Hậu và các khu ở tập trung và ở sinh thái.
Ðược biết, ngoài Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ bố trí tại vị trí hiện hữu sẽ dự kiến quy hoạch sân bay quốc tế của vùng sau năm 2030 tại huyện Cờ Ðỏ. Ga đường sắt tuyến thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ bố trí ở quận Cái Răng, ga đường sắt tuyến Cần Thơ – Châu Ðốc bố trí ở khu đô thị mới Ô Môn. Hệ thống cảng tổng hợp, cảng du lịch ở Thốt Nốt, Trà Nóc và Bình Thủy. Cảng biển quốc tế Cái Cui bố trí ở quận Cái Răng.
Các nhà máy cấp nước – điện, các khu xử lý rác thải, nước thải, nghĩa trang được bố trí đồng bộ và hiện đại phù hợp với bán kính phục vụ của các khu đô thị. Vùng phát triển công nghiệp diện tích khoảng 3.088 ha bố trí gắn với hạ tầng đường bộ và đường thủy. Trong đó các khu công nghiệp tập trung diện tích khoảng 2.929 ha; công nghiệp nặng, nhiệt điện lớn tại Khu đô thị – công nghiệp Trà Nóc diện tích 689 ha, công nghiệp – dịch vụ cảng tại Khu đô thị – công nghiệp Cái Răng diện tích 240 ha, công nghiệp công nghệ cao tại khu đô thị mới Ô Môn diện tích 470 ha, công nghiệp đa ngành, công nghiệp chế biến tại Khu đô thị – công nghiệp Thốt Nốt diện tích 1.530 ha.
Với tầm nhìn phát triển đô thị dài hơi như vậy, UBND thành phố Cần Thơ đã đưa ra các chương trình phát triển kết cấu hạ tầng ưu tiên đầu tư. Về hạ tầng kỹ thuật, đó là dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Cần Thơ, đường cao tốc Sóc Trăng – Cần Thơ – Châu Ðốc; Nâng cấp, mở rộng hệ thống quốc lộ (91, 91B, 80, nam sông Hậu). Hình thành trục xương sống đô thị giữa khu vực đô thị truyền thống của Cần Thơ với Ô Môn trên cơ sở tuyến quốc lộ 91 và quốc lộ 91B; Nâng cấp, mở rộng hệ thống cảng và kho vận, ưu tiên cụm cảng Cái Cui; Xây dựng cầu Vàm Cống qua sông Hậu, hệ thống cầu qua sông Cần Thơ, cầu qua cù lao Tân Lộc; hệ thống thu gom và xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn; Xây dựng mới và cải tạo các tuyến điện 500 KV, 220 KV, 110 KV, 22 KV và các trạm biến thế phục vụ cho thành phố Cần Thơ và các tỉnh lân cận.
Về hạ tầng xã hội, gồm các công việc như tập trung đầu tư xây dựng các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp thành phố và cấp vùng (bệnh viện nhi đồng, ung bướu, lao và bệnh phổi,…); Các công trình đào tạo và nghiên cứu (các trường đại học Luật, Ngoại ngữ, Kỹ thuật – Công nghệ, Kinh tế – Kỹ thuật, Nông nghiệp, các trường dạy nghề, các viện nghiên cứu); Các công trình thương mại dịch vụ đầu mối (chợ đầu mối thủy sản, hệ thống trung tâm phân phối cấp vùng,…); Hình thành tuyến công viên Cần Thơ là không gian công cộng mới của thành phố và nhằm ngăn chặn việc đô thị hóa tại các khu vực không phù hợp; Các khu du lịch sinh thái: cồn Ấu, cồn Sơn, cù lao Tân Lộc, vườn cây ăn trái Phong Ðiền; Quy hoạch và triển khai thực hiện khu công nghệ thông tin để tập trung nghiên cứu, phát triển, sản xuất, kinh doanh và đào tạo nguồn nhân lực về công nghiệp công nghệ thông tin.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét